Bài viết này dành cho ATG đang làm việc với các doanh nghiệp và doanh nghiệp. Hãy bỏ qua bài viết nếu bạn không phải họ!
Trong các sự kiện của công ty, ảo thuật gia được mời về để mang đến những tiết mục giải trí độc đáo – KHÔNG ĐỤNG HÀNG cho khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp nhằm một mục đích riêng (launching sản phẩm mới, giới thiệu tính năng, truyền thông các giá trị cốt lõi).
Một số thương hiệu bán lẻ còn mời ATG với mục đích tạo một chuỗi chương trình chăm sóc khách hàng khác biệt so với đối thủ. ( Louis Vuiton, Audi, Channel…)
ẢO THUẬT GIA CẦN LÀM GÌ?
Nhiều lần tôi đã đề cập đến vấn đề này. ATG cần mở rộng kiến thức xã hội và trau dồi kỹ năng mới. Đặc biệt, ATG cần có khả năng của một Nhà Diễn Thuyết, nhờ khả năng dẫn dắt khán giả, truyền tải thông điệp, mà ATG có thể tạo nên kết nối sâu sắc giữa doanh nghiệp và khách hàng qua màn trình diễn.
Nếu chỉ vậy thôi chưa đủ, biểu diễn cho doanh nghiệp yêu cầu bạn cần hiểu về hoạt động, giá trị cốt lõi, văn hóa của doanh nghiệp đó (Đừng ngại trao đổi thật kỹ với khách hàng trước khi lên kế hoạch cho kịch bản). Hãy đặt mình vào khách hàng để chắc chắn rằng bạn hiểu khách hàng của mình cần điều gì. Khi đó bạn sẽ biết mình phải làm gì với chất liệu ảo thuật, để hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng doanh thu hay một mục tiêu khác.
ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
Ở vai trò của một doanh nghiệp, trước hết hãy hiểu rằng công nghệ Ảo Thuật hiện đại đã và đang làm được rất nhiều điều kinh ngạc. Vì vậy, thay vì chỉ mời ATG về biểu diễn những tiết mục giải trí, doanh nghiệp hãy cân nhắc về việc tạo ra những tác phẩm truyền thông với mục đích lớn hơn.
Gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với ATG, đồng thời list ra thật rõ ràng mục tiêu, ý tưởng.. tất cả mọi ấp ủ dự định của bạn trong kế hoạch hợp tác này. Như vậy, ATG có thể hiểu và lên kịch bản phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp bạn.
Nếu doanh nghiệp không thể có được một ý tưởng tốt hãy liên lạc với đạo diễn sân khấu. Họ sẽ giúp một kịch bản tuyệt vời nếu như cần sự chuyên nghiệp. (HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN ĐỀU CÓ NHIỀU ĐẠO DIỄN GIỎI)
ATG sẽ cần trao đổi với doanh nghiệp để tìm ra một ĐIỂM CÂN BẰNG. Nó là sự cân bằng giữa GIẢI TRÍ và THÔNG ĐIỆP.
Nếu yếu tố giải trí quá nhiều, doanh nghiệp sẽ không đạt được mục tiêu truyền thông. Còn yếu tố thông điệp quá nặng thì show diễn ảo thuật giống như một đoạn quảng cáo vậy. Nhiều trường hợp show diễn trở nên nhàm chán vì chèn quá nhiều thông điệp và khi chạy chương trình, khán giả cảm thấy nó giống như liệt kê thông điệp bằng ảo thuật.
Tuy vậy, ảo thuật gia vẫn cần linh hoạt cùng với doanh nghiệp trong các trường hợp khác nhau để phối hợp đạt được mục tiêu.
Đôi khi là giải trí nhiều hơn, đôi khi ngược lại.
Trên hết, sự cân bằng cần được đặt lên hàng đầu để có một show diễn giải trí tuyệt vời và vẫn khéo léo chèn được thông điệp của doanh nghiệp.
Bài viết này Nhã chia sẻ với ảo thuật gia và doanh nghiệp với một mong muốn rằng sẽ là thông tin hữu ích.